33+ Trò chơi vận động cho trẻ mầm non tập thể vui, hay, thú vị nhất

15-04-2025

Trò chơi vận động cho trẻ mầm non không chỉ là hoạt động giải trí đơn thuần mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thể chất, trí tuệ và kỹ năng giao tiếp xã hội của trẻ nhỏ. Thông qua các trò chơi tập thể hấp dẫn, trẻ học được cách hợp tác, rèn luyện sự linh hoạt và tăng cường khả năng quan sát. Dưới đây là tổng hợp 33+ trò chơi vận động phù hợp cho lứa tuổi mầm non, giúp bé vừa học vừa chơi một cách tự nhiên và hiệu quả.

Lợi ích của trò chơi vận động cho trẻ mầm non

Trò chơi vận động mang lại nhiều lợi ích toàn diện cho trẻ nhỏ góp phần thúc đẩy sự phát triển đồng đều ở cả 5 lĩnh vực phát triển của trẻ mầm non. Bởi lẽ, giai đoạn mầm non chính là thời kỳ vàng cho sự phát triển thể chất và tư duy.

  • Tăng cường sức khỏe thể chất: Các trò chơi như chạy, nhảy, leo trèo,… giúp bé phát triển hệ cơ xương, cải thiện khả năng vận động thô và sự dẻo dai.
  • Phát triển kỹ năng xã hội: Khi tham gia các trò chơi tập thể, trẻ học cách chia sẻ, phối hợp và tuân thủ luật chơi, từ đó hình thành kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp.
  • Rèn luyện trí tuệ và phản xạ: Nhiều trò chơi yêu cầu trẻ ghi nhớ, quan sát và phản ứng nhanh, giúp bé nâng cao tư duy logic và khả năng xử lý tình huống.
  • Khơi gợi sự sáng tạo: Một số trò chơi yêu cầu trẻ tưởng tượng, đóng vai hay sáng tạo động tác, từ đó kích thích khả năng sáng tạo và tự tin thể hiện bản thân.
  • Giúp trẻ vui vẻ, giảm căng thẳng: Hoạt động vận động tạo ra niềm vui, giảm bớt sự căng thẳng hay lo lắng, đặc biệt với những trẻ mới đi học.
Trò chơi vận động mang lại nhiều lợi ích toàn diện cho trẻ nhỏ 
Trò chơi vận động mang lại nhiều lợi ích toàn diện cho trẻ nhỏ

>> Xem thêm:

Các trò chơi vận động cho trẻ mầm non 3 – 4 tuổi thú vị nhất

Dưới đây là những trò chơi phù hợp cho lứa tuổi từ 3 – 4 tuổi, đơn giản, dễ hiểu, đảm bảo an toàn và mang lại nhiều tiếng cười cho trẻ:

1. Chi chi chành chành

Chi chi chành chành là trò chơi dân gian quen thuộc, rất phù hợp với trẻ mầm non. Hoạt động này này giúp trẻ rèn luyện sự nhanh nhạy, đồng thời tạo không khí vui tươi, gần gũi giữa các bạn nhỏ.

Chuẩn bị:

  • Không cần dụng cụ.
  • Không gian rộng đủ để trẻ ngồi thành vòng tròn.

Cách chơi:

  • Cho các bé ngồi thành vòng tròn, người quản trò ngồi ở giữa và xòe tay ra phía trước.
  • Mỗi bé lần lượt đưa một ngón tay vào giữa lòng bàn tay của người quản trò.
  • Khi tất cả đã sẵn sàng, cả nhóm cùng đồng thanh đọc bài đồng dao:
    “Chi chi chành chành / Cái đanh thổi lửa / Con ngựa đứt cương / Ba vương ngũ đế / Bắt dế đi tìm / Ù à ù ập”.
  • Khi đến từ “ập”, người quản trò sẽ nắm tay lại thật nhanh. Bạn nhỏ nào không kịp rút tay ra sẽ trở thành người quản trò trong vòng tiếp theo. Nếu không ai bị bắt, trò chơi tiếp tục như cũ.
Trò Chi chi chành chành giúp bé rèn luyện sự nhanh nhạy
Trò Chi chi chành chành giúp bé rèn luyện sự nhanh nhạy

>> Tham khảo: 

2. Chuyền bóng

Trò chơi “Chuyền bóng” giúp trẻ phát triển kỹ năng phối hợp vận động và làm quen với tinh thần đồng đội. Đây là hoạt động đơn giản nhưng rất hiệu quả để tạo không khí sôi động trong lớp.

Chuẩn bị:

  • 1 quả bóng mềm (kích thước phù hợp với trẻ mầm non).
  • Không gian rộng để xếp hàng hoặc tạo vòng tròn.

Cách chơi:

  • Trẻ ngồi hoặc đứng thành vòng tròn (có thể ngồi theo hàng dọc tùy số lượng).
  • Cô giáo hô “Bắt đầu”, trẻ chuyền bóng nhanh cho bạn bên cạnh theo chiều nhất định.
  • Khi nghe tiếng “Dừng lại”, người cầm bóng phải thực hiện một thử thách nhỏ như hát một câu hát, nhảy một điệu múa hoặc kể chuyện.
  • Sau đó tiếp tục chơi, luân phiên các thử thách và vòng chơi.
Trò “Chuyền bóng” giúp trẻ rèn luyện tinh thần đồng đội
Trò “Chuyền bóng” giúp trẻ rèn luyện tinh thần đồng đội

3. Ô tô vào bến

Ô tô vào bến là trò chơi vừa mang tính vận động vừa lồng ghép học nhận diện số. Trò chơi mô phỏng hành trình di chuyển của ô tô và yêu cầu trẻ phản ứng nhanh với hiệu lệnh.

Chuẩn bị:

  • Vòng tròn nhựa hoặc giấy bìa tạo hình “bến đỗ”, đánh số từ 1 – 5 (hoặc tùy theo số lượng trẻ).
  • Loa phát nhạc hoặc trống nhỏ.

Cách chơi:

  • Bày các “bến đỗ” trên mặt đất, mỗi bến cách nhau một khoảng an toàn.
  • Mỗi trẻ là một chiếc ô tô, di chuyển tự do khi nhạc vang lên.
  • Khi nhạc dừng, cô hô to: “Ô tô vào bến số X!” – trẻ phải nhanh chóng tìm đúng bến có số được gọi.
  • Bé nào chạy nhầm bến hoặc vào trễ sẽ phải thực hiện một hành động vui nhộn như nhảy lò cò, nói một câu hài hước,…

>> Tham khảo: Kỹ năng giải quyết vấn đề là gì? Quy trình 7 bước giải quyết vấn đề

4. Bắt chước tạo dáng

Bắt chước tạo dáng là trò chơi khuyến khích trẻ quan sát, tưởng tượng và thể hiện bản thân qua các tư thế hoặc hành động thú vị. Trò này rất phù hợp để lồng ghép trong các buổi học kỹ năng mềm hoặc giờ vận động nhẹ.

Chuẩn bị:

  • Không cần dụng cụ.
  • Có thể sử dụng thêm ảnh minh họa hoặc thẻ hình động vật để tăng phần hấp dẫn.

Cách chơi:

  • Cô giáo (hoặc chọn một bé) đứng lên tạo một dáng bất kỳ: ví dụ như dang tay làm chim, cúi người làm voi, đứng một chân như cò,…
  • Các bé còn lại quan sát trong vài giây rồi làm theo đúng động tác đó.
  • Ai làm sai hoặc chậm hơn thì ra ngoài 1 lượt rồi quay lại chơi sau.
  • Trò chơi có thể xoay vòng người làm mẫu để khuyến khích các bé sáng tạo thêm dáng mới.
Bắt chước tạo dáng giúp trẻ rèn luyện khả năng quan sát và tưởng tượng
Bắt chước tạo dáng giúp trẻ rèn luyện khả năng quan sát và tưởng tượng

5. Hái quả

Hái quả là trò chơi mô phỏng hoạt động hái trái cây, giúp trẻ vận động tay chân, rèn sự khéo léo và nâng cao khả năng phối hợp giữa tay – mắt. Đây là trò chơi rất được các bé ưa thích trong các giờ học ngoài trời.

Chuẩn bị:

  • Trái cây nhựa hoặc giấy mô phỏng (có thể dùng bóng xốp, vải, giấy màu).
  • Cây mô hình (có thể dùng cành cây khô, dây treo hoặc khung treo đơn giản).
  • Rổ nhỏ để đựng “quả”.

Cách chơi:

  • Treo các loại “quả” lên cây ở độ cao phù hợp với trẻ (có thể dùng dây).
  • Chia trẻ thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm có một rổ đựng quả.
  • Khi có hiệu lệnh “Bắt đầu”, lần lượt từng bé chạy lên hái một quả rồi mang về rổ đội mình.
  • Nhóm nào hái được nhiều quả hơn trong thời gian quy định sẽ chiến thắng.

6. Cáo và thỏ

Cáo và thỏ là trò chơi đóng vai hấp dẫn, mô phỏng tình huống rượt đuổi giữa cáo và thỏ. Trò chơi giúp trẻ tăng khả năng phản xạ, rèn luyện tốc độ và sự linh hoạt.

Chuẩn bị:

  • Không cần dụng cụ.
  • Có thể kẻ sẵn “hang thỏ” bằng vòng tròn hoặc ghế nhựa.

Cách chơi:

  • Chọn 1 bé làm “cáo”, 2–3 bé làm “thỏ”, số còn lại là “hang thỏ”.
  • Khi chưa có hiệu lệnh, thỏ đi quanh sân và giả vờ ăn cỏ.
  • Khi cô hô to: “Cáo đến kìa!” thì cáo chạy đuổi theo thỏ.
  • Thỏ phải chạy nhanh để chui vào một “hang thỏ” an toàn. Nếu bị bắt, bé đó sẽ đổi vai làm “cáo” ở lượt sau.

>> Tìm hiểu thêm:

7. Tàu hỏa

Tàu hỏa là trò chơi vận động tập thể, giúp rèn kỹ năng di chuyển theo hàng, giữ nhịp, rèn ý thức kỷ luật và tinh thần đoàn kết trong nhóm. Trong quá trình chơi, trẻ sẽ được hóa thân thành đoàn tàu vui nhộn.

Chuẩn bị:

  • Không cần dụng cụ.
  • Có thể mở nhạc mô phỏng tiếng tàu chạy.

Cách chơi:

  • Các bé xếp hàng dọc, tay đặt lên vai bạn phía trước tạo thành đoàn tàu.
  • Một bé đầu hàng làm “đầu tàu”, di chuyển theo nhạc hoặc tiếng còi tàu.
  • Cô giáo làm người điều phối, hướng dẫn tàu đi theo các hướng khác nhau: rẽ trái, rẽ phải, quay đầu, tăng tốc…
  • Nếu tàu bị “đứt” (bé buông tay khỏi bạn trước), cả đoàn phải dừng lại “sửa chữa” và bắt đầu lại từ đầu.
Tàu hỏa là trò chơi vận động tập thể giúp rèn kỹ năng di chuyển theo hàng
Tàu hỏa là trò chơi vận động tập thể giúp rèn kỹ năng di chuyển theo hàng

8. Bịt mắt bắt dê

Bịt mắt bắt dê là trò chơi dân gian quen thuộc, tạo cảm giác hào hứng và thú vị khi người chơi bịt mắt phải đoán và tìm đồng đội bằng cảm giác. Thông qua hoạt động này, trẻ vừa vận động vừa phát triển đồng thời các giác quan.

Chuẩn bị:

  • Khăn vải để bịt mắt.
  • Không gian rộng, thoáng, không có vật cản nguy hiểm.

Cách chơi:

  • Chọn một bé làm “người bắt dê”, bịt mắt lại bằng khăn.
  • Các bé còn lại đi vòng quanh, vỗ tay hoặc kêu “be be” để đánh lạc hướng.
  • “Người bắt dê” di chuyển để tìm và chạm vào “dê”. Nếu bắt trúng, hai bé đổi vai cho nhau.
  • Cô giáo có thể hỗ trợ di chuyển để đảm bảo an toàn cho bé bị bịt mắt.

9. Mèo đuổi chuột

Trò chơi Mèo đuổi chuột tạo sự sôi động và tiếng cười cho trẻ khi một bé hóa thân làm mèo rượt đuổi bạn chuột quanh vòng tròn bạn bè. Đây là trò chơi vận động nhẹ nhàng nhưng mang tính tương tác cao.

Chuẩn bị:

  • Không cần dụng cụ.
  • Trẻ tạo vòng tròn làm “hang”.

Cách chơi:

  • Chọn 1 bé làm “mèo”, 1 bé làm “chuột”, các bé còn lại đứng nắm tay tạo thành vòng tròn.
  • Khi bắt đầu, chuột chạy trong – ngoài vòng tròn để trốn mèo, còn mèo phải đuổi bắt chuột.
  • Các bạn làm “hang” có thể giơ tay cho chuột hoặc mèo ra vào.
  • Nếu mèo bắt được chuột thì đổi vai và tiếp tục lượt chơi mới.

Gợi ý:

  • Cô giáo nên luôn quan sát và đảm bảo không gian chơi an toàn.
  • Có thể chơi các trò này xen kẽ vào giữa các tiết học, giờ ra chơi hoặc hoạt động ngoài trời để giúp trẻ không bị nhàm chán.
Trò chơi Mèo đuổi chuột tạo sự sôi động và tiếng cười cho trẻ
Trò chơi Mèo đuổi chuột tạo sự sôi động và tiếng cười cho trẻ

10. Ếch dưới ao

Ếch dưới ao là trò chơi đóng vai sinh động, mô phỏng hành vi của những chú ếch con nhảy tung tăng dưới ao. Trò chơi giúp bé rèn khả năng bật nhảy, thông qua đó đồng thời phát triển khả năng mô phỏng và tưởng tượng.

Chuẩn bị:

  • Tấm thảm hoặc vòng tròn đặt trên sân (mô phỏng “ao”).
  • Nhạc vui nhộn liên quan đến con vật hoặc chủ đề nước.

Cách chơi:

  • Giáo viên kể một câu chuyện ngắn về những chú ếch con vui nhảy trong ao.
  • Trẻ đứng thành vòng tròn, giữa vòng là “ao nước”.
  • Khi có hiệu lệnh “Ếch nhảy!”, các bé lần lượt nhảy như ếch (bật cao và kêu “ộp ộp”) vào khu vực ao rồi lại nhảy ra.
  • Cô giáo có thể yêu cầu “Ếch ngủ”, “Ếch tìm mồi” để tăng tính linh hoạt trong chuyển động và tạo thêm hứng thú.

>> Có thể bố mẹ quan tâm: Giáo dục giới tính cho trẻ cần lưu ý gì? Cách thực hiện hiệu quả

11. Thổi bong bóng xà phòng

Thổi bong bóng xà phòng là trò chơi nhẹ nhàng nhưng cực kỳ lôi cuốn, giúp trẻ phát triển kỹ năng điều khiển hơi thở, quan sát chuyển động và tương tác với môi trường. Đây là trò chơi rất lý tưởng để lồng ghép vào giờ hoạt động ngoài trời.

Chuẩn bị:

  • Dung dịch xà phòng pha sẵn.
  • Que thổi bong bóng (có thể là dụng cụ mua sẵn hoặc dùng ống hút).
  • Khay đựng xà phòng.

Cách chơi:

  • Giáo viên hướng dẫn trẻ cách nhúng que vào dung dịch xà phòng và thổi nhẹ nhàng để tạo bong bóng.
  • Các bé có thể thi nhau xem ai thổi được bong bóng to nhất hoặc bay xa nhất.
  • Tổ chức mini game “Bắt bong bóng” – trẻ chạy theo và chạm vào bong bóng trước khi nó vỡ.
  • Đảm bảo vị trí chơi sạch sẽ, tránh trơn trượt khi xà phòng rơi xuống sàn.

12. Bắt vịt

Bắt vịt là trò chơi vận động mang tính hài hước, sôi nổi, giúp trẻ phát triển kỹ năng rượt đuổi, phản xạ và khả năng phối hợp trong tập thể. Trong quá trình hoạt động, trẻ sẽ có cảm giác như đang tham gia vào một sân chơi dân gian thu nhỏ.

Chuẩn bị:

  • Không cần dụng cụ.
  • Sân chơi rộng rãi, an toàn (ngoài trời càng tốt).

Cách chơi:

  • Chọn 1 bé làm “người bắt vịt”, các bé còn lại là “vịt con”.
  • Khi có hiệu lệnh bắt đầu, “vịt” tản ra khắp sân, chạy và kêu “quạc quạc” để tạo không khí vui nhộn.
  • “Người bắt vịt” phải nhanh chóng đuổi và chạm vào một bé – bé đó sẽ đổi vai làm “người bắt vịt” tiếp theo.
  • Cô giáo có thể đổi vai “người bắt” để tạo bất ngờ và tăng phần kịch tính cho trò chơi.

>> Tham khảo: 

Các trò chơi vận động cho trẻ mầm non 5 – 6 tuổi giúp phát triển thể chất

Trẻ em trong độ tuổi 5 – 6 thường có nhu cầu vận động mạnh mẽ hơn. Do đó, những trò chơi vận động là một phần không thể thiếu trong quá trình giảng dạy, giúp trẻ phát triển thể chất toàn diện. Thông qua các hoạt động dưới đây, trẻ sẽ được rèn luyện cơ bắp, nâng cao sự nhanh nhẹn, khả năng phối hợp tay – mắt cũng như xử lý tình huống linh hoạt:

1. Vượt chướng ngại vật

Vượt chướng ngại vật là trò chơi giúp trẻ tăng cường sức mạnh cơ bắp, phát triển khả năng linh hoạt và sự nhanh nhẹn. Trong quá trình hoạt động, trẻ phải vận dụng tất cả các kỹ năng vận động đang có để vượt qua thử thách, qua đó rèn luyện tính kiên trì và sự tập trung. 

Chuẩn bị:

  • Các chướng ngại vật đơn giản như ghế, dây thừng, tấm ván, hoặc các vật dụng mềm khác.
  • Không gian rộng để sắp xếp chướng ngại vật.

Cách chơi:

  • Sắp xếp các chướng ngại vật thành một chuỗi, có thể bao gồm leo qua, bò qua, nhảy qua hoặc trườn dưới các vật dụng.
  • Trẻ sẽ lần lượt vượt qua từng chướng ngại vật trong thời gian nhanh nhất có thể.
  • Trẻ có thể chơi theo nhóm hoặc thi đấu cá nhân để xem ai hoàn thành quãng đường nhanh nhất.
  • Cô giáo có thể thay đổi độ khó của chướng ngại vật tùy theo khả năng của trẻ.
Trò Vượt chướng ngại vật giúp trẻ phát triển khả năng linh hoạt và sự nhanh nhẹn
Trò Vượt chướng ngại vật giúp trẻ phát triển khả năng linh hoạt và sự nhanh nhẹn

2. Nhảy lò cò

Nhảy lò cò là trò chơi giúp trẻ phát triển các nhóm cơ ở chân, khả năng giữ thăng bằng và phối hợp tay chân. Trò này đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện sự linh hoạt cũng như kiểm soát cơ thể. 

Chuẩn bị:

  • Không cần dụng cụ đặc biệt.
  • Sân chơi rộng, phẳng.

Cách chơi:

  • Vẽ một đường thẳng dài trên sân, có thể đánh dấu bằng phấn hoặc dây.
  • Trẻ sẽ đứng trên một chân và nhảy qua các dấu vạch, mỗi vạch cách nhau một khoảng nhất định.
  • Trẻ cần giữ thăng bằng và nhảy lò cò từ đầu đến cuối mà không bị ngã.
  • Có thể thay đổi các dạng nhảy, ví dụ: nhảy qua vạch, nhảy vào trong vòng tròn, hoặc nhảy về phía sau để tạo sự đa dạng cho trò chơi.

3. Ai nhanh hơn

Ai nhanh hơn là một trò chơi chạy đua giúp trẻ phát triển sự nhanh nhẹn và sức bền. Thông qua hoạt động này, trẻ sẽ được rèn luyện tinh thần thi đua và khả năng phản ứng nhanh chóng. 

Chuẩn bị:

  • Dây kẻ hoặc vật làm dấu để đánh dấu vạch xuất phát và đích đến.
  • Không gian rộng để các bé có thể chạy tự do.

Cách chơi:

  • Chia trẻ thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm đứng tại vạch xuất phát.
  • Khi có hiệu lệnh, các trẻ phải chạy về đích sao cho nhanh nhất.
  • Trẻ nào về đích đầu tiên sẽ thắng. Có thể tổ chức nhiều vòng thi đấu để tạo không khí sôi nổi.
  • Cô giáo có thể thêm phần thử thách bằng cách yêu cầu trẻ chạy nhanh trong một khoảng thời gian nhất định hoặc nhảy qua các chướng ngại vật.
Trò chơi Ai nhanh hơn sẽ giúp trẻ phát triển sự nhanh nhẹn và sức bền
Trò chơi Ai nhanh hơn sẽ giúp trẻ phát triển sự nhanh nhẹn và sức bền

4. Hô màu

Hô màu là trò chơi giúp trẻ phát triển khả năng phản xạ nhanh, đồng thời học cách nhận biết và phân biệt các màu sắc. Trong quá trình chơi, trẻ sẽ phải di chuyển theo hiệu lệnh của người điều khiển, giúp rèn luyện sự linh hoạt và khả năng phối hợp tay – chân.

Chuẩn bị:

  • Các mảnh vải hoặc bảng màu (có thể sử dụng những mảnh giấy màu lớn hoặc màu sắc vẽ trên đất).
  • Không gian đủ rộng để trẻ chạy và di chuyển.

Cách chơi:

  • Cô giáo sẽ hô tên một màu (ví dụ: “Đỏ”, “Xanh”, “Vàng”).
  • Trẻ phải nhanh chóng chạy tới khu vực có màu sắc đó.
  • Trẻ nào đến đúng khu vực màu nhanh nhất và không mắc lỗi sẽ giành chiến thắng.
  • Cô giáo có thể thay đổi độ khó bằng cách yêu cầu trẻ nhận diện màu nhanh hơn hoặc di chuyển theo cách khác nhau (nhảy, chạy, bò,…).

5. Xếp hàng di chuyển

Xếp hàng di chuyển là trò chơi đơn giản, giúp trẻ hình thành ý thức tổ chức, rèn kỹ năng giữ trật tự và khả năng phối hợp khi vận động theo nhóm.

Chuẩn bị:

  • Không cần dụng cụ.
  • Sân hoặc lớp học có không gian đủ rộng để di chuyển theo hàng.

Cách chơi:

  • Trẻ được chia thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm xếp một hàng dọc theo hiệu lệnh của cô giáo.
  • Khi có hiệu lệnh “Đi!”, cả nhóm sẽ cùng nhau bước đều theo hàng, không chen lấn và giữ khoảng cách.
  • Cô giáo có thể đưa ra các tín hiệu thay đổi kiểu di chuyển: bước dài, bước nhỏ, đi lùi, nhảy từng bước,… để tăng phần vui nhộn.
  • Trẻ nào vi phạm (chen hàng, đi sai kiểu) sẽ bị nhắc nhở và khuyến khích điều chỉnh để phối hợp tốt hơn.
Xếp hàng di chuyển giúp trẻ rèn kỹ năng phối hợp, giữ trật tự và ý thức tổ chức.
Xếp hàng di chuyển giúp trẻ rèn kỹ năng phối hợp, giữ trật tự và ý thức tổ chức.

6. Tín hiệu đèn giao thông (Đèn xanh – Đèn đỏ)

Trò chơi Tín hiệu đèn giao thông giúp trẻ vận động, bên cạnh đó hỗ trợ rèn luyện khả năng quan sát, phản xạ nhanh và hình thành nhận thức về luật lệ giao thông cơ bản ngay từ nhỏ.

Chuẩn bị:

  • Bảng tròn màu xanh, đỏ, vàng (hoặc có thể dùng thẻ màu).
  • Sân chơi rộng rãi, có thể kẻ vạch đường để tăng phần sinh động.

Cách chơi:

  • Một bạn hoặc cô giáo sẽ cầm bảng màu tượng trưng cho đèn giao thông.
  • Khi giơ bảng đỏ, tất cả trẻ phải dừng lại ngay lập tức.
  • Khi giơ bảng xanh, trẻ được chạy nhanh về phía trước
  • Nếu là bảng vàng, trẻ phải đi thật chậm hoặc đứng yên tại chỗ.
  • Trẻ nào thực hiện sai tín hiệu sẽ bị loại khỏi lượt đó hoặc nhắc nhở nhẹ nhàng.

7. Trời nắng – Trời mưa

Trời nắng – Trời mưa là trò chơi vận động kết hợp tưởng tượng, giúp trẻ phát triển phản xạ nhanh, tư duy linh hoạt và kỹ năng lắng nghe hiệu lệnh. Ngoài ra, hoạt động này còn kích thích trí tưởng tượng thông qua những tình huống gần gũi với thiên nhiên.

Chuẩn bị:

  • Một vài ô (dù) nhỏ để trẻ cầm hoặc làm “nhà trú mưa”.
  • Có thể sử dụng âm thanh (loa mini, trống tay) để mô phỏng tiếng mưa.

Cách chơi:

  • Trẻ đứng tản ra trên sân, vừa di chuyển vừa “tắm nắng”.
  • Khi cô giáo hô “Trời mưa!”, trẻ phải nhanh chóng tìm chỗ trú (chạy đến vị trí ô được đặt sẵn hoặc núp dưới tay làm “mái nhà”).
  • Khi hô “Trời nắng!”, trẻ lại tiếp tục di chuyển như đang đi chơi.
  • Cô giáo có thể kết hợp âm thanh và thay đổi tốc độ ra lệnh để tăng tính hấp dẫn.

8. Chim sẻ và ô tô

Chim sẻ và ô tô là trò chơi theo nhóm vui nhộn, giúp trẻ rèn kỹ năng nhận biết âm thanh, phân biệt vai trò và phản ứng đúng tình huống. Trong quá trình chơi, trẻ sẽ được vận động liên tục thông qua việc chạy và dừng đúng thời điểm.

Chuẩn bị:

  • Một số ghế hoặc khối xốp nhỏ làm “tổ chim”.
  • Không gian rộng để chia thành khu vực cho “chim” và “ô tô”.

Cách chơi:

  • Chia trẻ thành 2 nhóm: một nhóm làm “chim sẻ”, một nhóm làm “ô tô”.
    “Chim sẻ” sẽ bay tự do trong sân (dang tay và chạy nhảy tự do). “Ô tô” thì bò hoặc di chuyển bằng 2 tay và đầu gối dưới đất.
  • Khi có hiệu lệnh “Ô tô ra đường!”, nhóm ô tô sẽ bắt đầu chạy quanh sân. Cùng lúc đó, “chim sẻ” phải nhanh chóng bay về “tổ” (ngồi xuống ghế đã chuẩn bị).
  • Nếu chim không kịp bay về tổ sẽ bị “ô tô” bắt. Sau một lượt, các nhóm đổi vai cho nhau để chơi tiếp.

9. Lá và gió

Trò chơi Lá và gió mô phỏng hiện tượng thiên nhiên một cách sinh động. Trẻ vừa được chạy nhảy, vừa tăng phản xạ và khả năng phán đoán nhanh.
Chuẩn bị: Không cần dụng cụ.
Cách chơi:

  • Một bạn đóng vai “gió”, các bạn còn lại làm “lá”.
  • Khi “gió” hô “Gió thổi! Lá bay!”, các bạn “lá” phải tản ra và chạy.
  • “Gió” sẽ đuổi để bắt “lá”. Ai bị bắt sẽ trở thành “gió” ở lượt kế tiếp.

10. Cướp cờ

Cướp cờ là trò chơi rèn luyện tốc độ, sự nhanh nhẹn và tinh thần đồng đội. Ngoài ra, thông qua trò chơi này, trẻ còn được phát triển thể lực lẫn sự phản xạ tình huống.
Chuẩn bị:

  • 1 lá cờ nhỏ (hoặc khăn tay màu).
  • Vạch phân chia giữa hai đội.

Cách chơi:

  • Chia thành 2 đội đứng đối diện.
  • Khi cô gọi tên, hai bạn cùng chạy lên giành cờ.
  • Ai nhanh hơn, mang cờ về đội sẽ ghi điểm.
  • Tiếp tục đổi lượt người chơi theo vòng.

11. Rồng rắn lên mây

Rồng rắn lên mây là trò dân gian truyền thống giúp trẻ hiểu thêm văn hóa dân tộc, đồng thời rèn sự phối hợp linh hoạt giữa các thành viên.
Chuẩn bị: Không cần dụng cụ.
Cách chơi:

  • Một bạn làm “thầy thuốc”, các bạn còn lại nắm vai “rồng rắn”, nối nhau thành hàng dài.
  • Cùng hát: “Rồng rắn lên mây/ Có cây lúc lắc/ Hỏi thăm thầy thuốc/ Có nhà hay không?”, vừa di chuyển cùng “thầy thuốc”.
  • Sau phần hát, nếu “thầy thuốc” trả lời không thì tiếp tục đi tiếp đến khi thầy thuốc trả lời có sẽ đuổi bắt bạn cuối hàng.
  • Nếu bị bắt hoặc đứt hàng, bạn bị bắt sẽ làm “thầy thuốc” tiếp theo.

12. Trốn tìm

Trốn tìm là trò chơi dân gian kinh điển, giúp trẻ rèn luyện sự nhanh nhẹn, kỹ năng quan sát và ẩn nấp.
Chuẩn bị: Không cần dụng cụ.

Cách chơi:

  • Một bạn quay mặt vào tường, đếm to từ 1 đến 20.
  • Các bạn còn lại tản đi tìm chỗ trốn.
  • Sau khi đếm xong, bạn đi tìm từng người.
  • Ai bị tìm thấy đầu tiên sẽ là người đếm ở lượt sau.

13. Đạp xe

Trò chơi đạp xe giúp trẻ được rèn luyện cơ chân, tăng cường sức bền và khả năng giữ thăng bằng. Đây đồng thời cũng là cơ hội rèn kỹ năng lái xe cơ bản.
Chuẩn bị:

  • Xe đạp ba bánh hoặc xe thăng bằng.
  • Đường chạy (vạch phấn hoặc nón nhựa).

Cách chơi:

  • Từng bạn điều khiển xe theo lộ trình.
  • Có thể tạo chướng ngại vật nhẹ để tăng thử thách.
  • Trẻ hoàn thành đường đua nhanh và đúng sẽ được tuyên dương.
Đạp xe giúp trẻ rèn cơ chân, tăng sức bền và khả năng giữ thăng bằng
Đạp xe giúp trẻ rèn cơ chân, tăng sức bền và khả năng giữ thăng bằng

14. Đi bộ bằng ba chân

Đi bộ bằng ba chân là trò chơi đồng đội thú vị, giúp các bé phối hợp nhịp nhàng và học cách điều chỉnh bước chân cùng bạn.
Chuẩn bị: Dây vải mềm hoặc khăn để buộc chân hai trẻ lại với nhau.

Cách chơi:

  • Hai bạn đứng cạnh nhau, buộc chân bên trong thành “chân thứ ba”.
  • Khi có hiệu lệnh, cả hai di chuyển từ vạch xuất phát đến đích.
  • Đội hoàn thành nhanh mà không ngã sẽ chiến thắng.

15. Chạy tiếp sức

Chạy tiếp sức là trò chơi vận động nhóm giúp bé học cách làm việc theo lượt, tăng tốc độ chạy và tinh thần đồng đội.
Chuẩn bị:

  • Gậy tiếp sức (có thể dùng khăn hoặc đồ vật nhẹ cầm tay).
  • Vạch xuất phát và vạch đích.

Cách chơi:

  • Chia lớp thành các đội nhỏ, xếp hàng dọc.
  • Bạn đầu tiên chạy đến vạch đích rồi chạy ngược lại, trao gậy cho bạn kế tiếp.
  • Cứ tiếp tục đến bạn cuối cùng.
  • Đội về đích đầu tiên là đội thắng.

16. Ném lon

Ném lon là trò chơi giúp trẻ phát triển sức mạnh tay, khả năng phán đoán và phối hợp tay – mắt.
Chuẩn bị:

  • 3-5 lon trống hoặc chai nhựa.
  • Một quả bóng mềm hoặc đá.

Cách chơi:

  • Đặt các lon theo một hình dạng nhất định, thường là tháp.
  • Trẻ sẽ đứng ở một khoảng cách nhất định và ném bóng vào lon sao cho chúng bị đổ.
  • Trẻ nào làm đổ hết lon sẽ thắng cuộc.

17. Giả làm tượng

Trò chơi giả làm tượng giúp trẻ phát triển khả năng kiểm soát cơ thể và tính kiên nhẫn, nên tăng cường lồng ghép vào hoạt động ngoài giờ hàng ngày.
Chuẩn bị: Không cần dụng cụ.
Cách chơi:

  • Một trẻ làm người “cầm trịch”, ra lệnh cho các bạn còn lại đứng làm tượng.
  • Khi “cầm trịch” hô “Tượng! Tượng!”, các bạn phải đứng im, tạo dáng như tượng.
  • Nếu ai cử động hoặc cười sẽ bị loại ra khỏi trò chơi.
  • Trẻ nào giữ được dáng lâu nhất sẽ thắng.
Trò chơi Giả làm tượng giúp trẻ rèn kiểm soát cơ thể và tính kiên nhẫn
Trò chơi Giả làm tượng giúp trẻ rèn kiểm soát cơ thể và tính kiên nhẫn

18. Kéo co

Trò chơi kéo co là một hoạt động thú vị, giúp trẻ phát triển sức mạnh cơ bắp và tinh thần đồng đội.
Chuẩn bị: Một sợi dây thừng dài.
Cách chơi:

  • Chia trẻ thành hai đội, mỗi đội nắm một đầu dây thừng.
  • Khi có hiệu lệnh, mỗi đội sẽ kéo dây theo hướng của mình.
  • Đội nào kéo đối phương vượt qua vạch giữa sẽ chiến thắng.
Trò chơi kéo co là một hoạt động thú vị giúp trẻ phát triển sức mạnh cơ bắp 
Trò chơi kéo co là một hoạt động thú vị giúp trẻ phát triển sức mạnh cơ bắp

19. Kiến cắn – Ong đốt – Đau bụng

Kiến cắn – Ong đốt – Đau bụng là trò chơi vui nhộn, giúp trẻ phát triển phản xạ và khả năng ghi nhớ các hiệu lệnh nhanh.
Chuẩn bị: Không cần dụng cụ.
Cách chơi:

  • Các trẻ đứng thành vòng tròn. Một bạn đóng vai “người dẫn dắt”, ra hiệu lệnh: “Kiến cắn” – trẻ đứng yên, “Ong đốt” – trẻ chạy hoặc di chuyển nhanh, “Đau bụng” – trẻ phải ngồi xuống.
  • Trẻ nào không thực hiện đúng hiệu lệnh sẽ bị loại ra khỏi trò chơi.

Những trò chơi vận động cho trẻ mầm non tập thể hay và bổ ích khác

Ngoài những trò chơi kể trên, bạn còn có thể lồng ghép rất nhiều trò chơi vận động bổ ích và thú vị khác vào chương trình học của trẻ mầm non. Dưới đây là một số hoạt động giúp bé rèn luyện thể chất, tăng cường khả năng sáng tạo, hợp tác và tinh thần đồng đội: 

    • Trò chơi đuổi bắt: Giúp trẻ rèn luyện sự nhanh nhẹn và khả năng phản xạ tốt.
    • Trò chơi chuyền bóng: Cải thiện sự phối hợp tay – mắt và tinh thần đồng đội.
    • Trò chơi “Lửa và nước”: Trẻ sẽ phải di chuyển nhanh và chính xác để tránh bị đối thủ “bắt” được.
    • Nhảy bao bố: Giúp trẻ rèn luyện sự dẻo dai và khả năng cân bằng cơ thể.
    • Hoá trang và biểu diễn: Giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo và diễn xuất.
Lồng ghép rất nhiều trò chơi vận động bổ ích và thú vị khác vào chương trình học của trẻ mầm non 
Lồng ghép rất nhiều trò chơi vận động bổ ích và thú vị khác vào chương trình học của trẻ mầm non

>> Có thể bố mẹ quan tâm: 

Tại UK Academy, các trò chơi vận động không chỉ là hoạt động giải trí mà còn được tích hợp sâu vào chương trình giáo dục nhằm phát triển toàn diện cho trẻ mầm non. Thông qua triết lý giáo dục 5H – Head (Trí tuệ), Heart (Tâm hồn), Hand (Thực hành), Health (Sức khỏe), Human (Nhân cách) – UKA tạo ra môi trường học tập năng động, nơi trẻ được học hỏi thông qua trải nghiệm thực tế và vận động thể chất .​

Trò chơi vận động cho trẻ mầm non đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện thể chất và phát triển kỹ năng xã hội. Thông qua những hoạt động thú vị này, trẻ sẽ rèn luyện được khả năng hợp tác, sáng tạo và tư duy. 

TIN TỨC LIÊN QUAN

Khủng hoảng tuổi lên 2

Khủng hoảng tuổi lên 2 kéo dài bao lâu? Ba mẹ nên xử lý thế nào?

22-04-2025
Mỗi học sinh nên có cho mình một lộ trình học riêng phù hợp với bản thân

10 Phương pháp học toán hiệu quả giúp học sinh đạt điểm cao

21-04-2025
Phát triển cảm xúc cho trẻ bằng hoạt động làm quà tặng nhân ngày 8 tháng 3 

Giáo dục toàn diện là gì? Những yếu tố giáo dục toàn diện cho trẻ

21-04-2025
Học đánh vần từ sớm giúp ba mẹ nhận biết những khó khăn của trẻ và hỗ trợ kịp thời

5 Cách dạy trẻ lớp 1 đánh vần dễ tiếp thu, nhớ lâu cấp tốc

21-04-2025
Các em học sinh tại UKA rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả

12 phương pháp dạy học tích cực ở tiểu học hiệu quả nhất hiện nay

21-04-2025
Các phép tính đơn giản từ 1 đến 10 giúp bé làm quen với tư duy toán học cơ bản

101+ Bài tập toán tư duy cho trẻ 5 tuổi hay và phù hợp

21-04-2025

Nhận bảng tin UKA

Nhận thông tin và hoạt động mới nhất từ chúng tôi